Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Thánh MATTHÊU, Tông đồ, Thánh sử

Thánh Matthêu, tông đồ, Thánh sử

Lễ ngày 21 tháng 9
"Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mt 9,13)

Thánh MATTHÊU, Tông đồ, Thánh sử

Ít có ai chuộng người thu thuế. Vào thế kỷ I tại Palestine điều này còn rõ hơn nữa, khi mà họ thủ lợi được nhờ doạ dẫm và gian dối. Nhưng dù có lương thiện đi nữa nhân viên thu thuế cũng không được cấp lãnh đạo Do Thái chấp nhận vì họ làm việc cho lương dân. Họ là người nhơ uế theo luật pháp và bị loại khỏi xã hội. Khi nhận một người thu thuế vào môn đồ của Người, Chúa Giêsu quả đã khinh thường tiên kiến của dân chúng.

Điều cần ghi nhận là Matthêu không phải đi từ cửa nhà này tới cửa nhà khác để thu thuế. Ông có một văn phòng tại Capharnaum, thành phố quê hương của Phêrô và đại bản doanh của Chúa Giêsu khi thi hành sứ vụ tại Galilê.

Đi ngang qua, Chúa Giêsu thấy Lêvi con của Alphê ngồi nơi sở thu thuế và Người nói: “Hãy theo Ta” và ông đứng dậy đi theo Người” (Mc 2,14).

Đó là lời mời gọi làm tông đồ, rất giống lời gọi dành cho Simon và Anrê (x. Mc 1,16t). Dầu vậy, Lêvi không có tên trong danh sách nhóm mười hai (x. Mc 3,16; Mt 10,3; Lc 6,14t; Cv 113). Ơn gọi người thu thuế được ghi lại trong Tin Mừng thứ nhất, trong đó ông được gọi là Matthêu (x. Mt 9,9tt). Như vậy, tông đồ đồng hoá mình với Mathêu có trong danh sách các tông đồ. Lời giải thích tự nhiên được tiếp nhận rộng rãi là Matthêu với Lêvi chỉ là một người với hai tên gọi khác nhau. (Chẳng hạn anh em Macabê, 1 Mcb 2,2-5). Cũng có thể chính Chúa Giêsu đã đặt tên cho Matthêu như đã đặt tên Phêrô cho Simon (Mattai theo tiếng Aramêô có nghĩa là ấn bản của Thiên Chúa).

Từ đó Matthêu bỏ sổ sách và học theo hoa đồng và chim trời, những thứ không thể tính toán cho đời sống mình (x. Mt 6,25tt). Chủ nhân của ông không còn là Antipas, con cáo gian xảo (x. Lc 13,32) mà là một Đấng khác hẳn loài cáo, lại chẳng có lấy một căn nhà (x. Mt 8,20). Sự thay đổi đã huỷ diệt trọn tương lai trần gian của Matthêu. Simon và Andrê còn có thể trở lại với nghề chài lưới, còn Matthêu bị tống khứ khỏi nghề cũ và không thể trở lại được nữa. Trong cộng đoàn tông đồ không phải ông mà là Giuda giữ quỹ của nhóm (x. Ga 13,29).

Sau khi được gọi, Matthêu biến dạng khỏi Tân ước và chỉ còn để lại tên trong danh sách các vị Tông đồ. Ngài đã ra thế nào? Chúng ta có được một câu văn của Giám mục Papias trong cuốn giải thích Lời Chúa (khoảng năm 125): “Matthêu viết một tường thuật có thứ tự về Lời Chúa, theo năng khiếu của ngài” (Eusebiô, Lịch sử Giáo Hội III, 39). Cuốn Tin Mừng Matthêu viết bằng tiếng Aramêô cho người Dothái trở lại. Khi thời thế đòi hỏi, con người Matthêu bị xã hội loại bỏ ấy đã cầm lấy viết để trước tác cuốn “Tin Mừng theo Thánh Matthêu”.

Theo bản văn tiếng Hy Lạp còn lại, chúng ta thấy tính khí theo toán học với những con số rõ rệt: 7 dụ ngôn về nước trời, 7 lời nguyền rủa bọn biệt phái, 7 lời cầu trong kinh Lạy Cha và có lẽ 7 mối phúc thật. Cả con số 5 nữa: 5 cuộc tranh luận với biệt phái, 5 chiếc bánh, 5 lượng vàng, nhất là 5 phần của cuốn sách. Sau cùng như chúng ta mong đợi có dấu chỉ về sự hiểu biết tinh tường về phương diện tài chính như đồng bạc nộp thuế thay vì đồng “denarius” trong Mc và Lc hay như thuế đền thờ, với những loại thuế gián thu, thuế phân...

Như vậy, Matthêu đã chuyển nghề nghiệp cũ vào một việc phụng sự mới, từ người kế toán thành người viết Tin Mừng. Thật không ngạc nhiên gì khi một mình ngài ghi lại lời này của Chúa: “Phàm ký lục nào đã được thụ giáo về Nước Trời thì cũng giống như gia chủ biết rút từ trong kho của ông ra điều mới và điều cũ” (Mt 13,52).

Không có khí cụ hèn hạ nào của chúng ta mà lại không được dùng một cách hoàn hảo và xứng đáng vào việc phụng sự Chúa.

Cuốn Tin Mừng thứ nhất là một kỷ vật của Thánh Matthêô được Giáo Hội ưa chuộng. Nhưng công cuộc tông đồ sau này của ngài lại bị mai một. Ngài đã rao giảng Tin Mừng cho người Dothái tại Palestina có lẽ trong 15 năm (Eusebiô, Lịch sử Giáo Hội III, 24,265) nhưng sự lầm lẫn giữa tên ngài với thánh Matthias (x. Cv 1,26) làm chúng ta luõng lự giữa những truyền thống khác nhau. Ethiopia, Parthia, Macedonia và cả những xứ của những kẻ ăn thịt người đều được ghi nhận là nơi thánh nhân đã làm việc tông đồ.

Thường người ta cho rằng: ngài chịu tử đạo, nhưng ý kiến cũng không được đồng nhất. Điều chắc chắn là ngài đã sống đời của một vị tử đạo và thế là đủ. Đối với chúng ta, ngài luôn luôn là một người đã biết được tiền của là gì, lẫn việc không có tiền của là gì.

Trích trong Theo Vết Chân Người (Chân dung các thánh nhân)
Theo truyền thuyết kể lại, sau khi Thánh nhân viết xong Tin mừng Chúa Giêsu, ông di chuyển đến miền Mesopotamien và Aethiopien rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu. Nơi đó Thánh nhân đã xây dựng Thánh đường cùng Tu viện, thành công việc loan truyền tin mừng nước Thiên Chúa. Nhưng sau cùng Thánh nhân bị người nhà vua dùng gươm kiếm đâm chết ở chân bàn thờ trong thánh đường.
Nhưng cũng có tương truyền thuật lại Thánh nhân bị ném đá tới chết, hay bị đốt thiêu sống trong lò lửa.
Thi hài (xương tích) thánh Matthêu từ năm 954 còn lưu giữ ở nhà thờ chính tòa Salermo. Năm 1085 Đức giaó hoàng Gregoriô VII, đã làm phép thánh hiến. Và chẳng mấy chốc nơi đó đã trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng trong khắp vùng.
Thánh Matthêu, theo Phúc âm thuật lại, là một trong 12 Môn đệ được Chúa trực tiếp tuyển chọn kêu gọi, và sai đi tiếp tục công việc làm chứng loan truyền cùng xây dựng Giáo Hội Chúa ở trần gian
Lạy Chúa, Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả, chọn một người thu thuế là Matthêu làm tông đồ rao giảng Tin mừng. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, mà cho chúng con biết noi gương Người, luôn hết tình gắn bó với Đức Kitô, là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Bình quyền nam nữ

Thứ Sáu Tuần XXIV Mùa Thường Niên - Năm Lẻ

Lời Chúa:

Lc 8, 1-3



"Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người" (x. Lc 8,2-3)

Chúa Giêsu đang rảo bước khắp nơi loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Tin Mừng Ngài loan báo là sự giải phóng con người khỏi mọi thứ nô lệ.

Nguyên việc có một số phụ nữ được đi theo chia sẻ sứ mạng của Ngài cũng là một dấu chỉ của Tin Mừng giải phóng ấy, vì thời đó người ta coi khinh phụ nữ, không cho phụ nữ tham gia những sinh hoạt công khai ngoài xã hội.


Ta hãy học cùng Chúa lòng tôn trọng mọi người không phân biệt nam nữ, lớn bé, giàu nghèo.

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Viện lý do



Thứ Tư Tuần XXIV Mùa Thường Niên - Năm Lẻ
Lời Chúa: Lc 7, 31-35





"Khi Gioan Tẩy Giả đến, thì các ngươi bảo: 'Người bị quỷ ám'. Khi Con Người đến, thì các ngươi lại nói: 'Kìa bạn bè với phường tội lỗi'." (x. Lc 7,33-34)

Chúa Giêsu trách thế hệ của Ngài:Không chịu nghe lời của Gioan Tẩy giả và của Chúa Giêsu mà hoán cải, lại còn viện cớ đổ thừa là vì Gioan là người bị quỷ ám, còn Chúa Giêsu thì là tay ăn nhậu, tội lỗi.

Viện lý do ???
Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, loài người thường xuyên đối mặt với những thử thách mới, khó khăn hơn,nhiều hơn. Nào là bão giá, lạm phát ,các tệ nạn ........hay những sai phạm trong công việc........ Và tất cả được giải thích bằng nhiều nguyên nhân. Thiết nghĩ, thử thách lớn nhất mà chúng ta cần vượt qua là dám đối diện hoàn cảnh thực tế,không viện lý do để bào chữa hay trốn tránh trách nhiệm. Đó là không "đổ thừa".

Xin ban cho chúng con sức mạnh của lòng tin, để chúng con can đảm làm chứng cho Chúa giữa thế gian.

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Mắt tâm hồn

Thứ Sáu Tuần XXIII Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: Lc 6,39-42


"Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?" (Lc 6,39)

Tại nhà ga Verona, bên Italia năm 1945, dân chúng đang chờ đợi các binh sĩ trở về từ các trại tập trung của Ðức Quốc Xã. Sự xuất hiện của chuyến xe lửa đã khơi dậy những tiếng reo vui tưởng chừng như không bao giờ dứt.

Từ trên xe lửa những tấm thân tiều tụy bắt đầu bước xuống sân ga giữa tiếng cười pha lẫn tiếng khóc của người thân. Cuối cùng, một người lính trẻ mò mẫm bước đi từng bước. Anh từ từ tiến về một người đàn bà già yếu và chỉ đủ sức để thốt lên tiếng "Mẹ". Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau... Người mẹ già xót xa: "Làm sao một người mù như con lại có thể tìm đến với mẹ?" Người lính mù ấy đáp: "Thưa mẹ, con không nhìn thấy mẹ bằng đôi mắt, nhưng trái tim con đã hướng dẫn con".


Người ta không chỉ thấy bằng đôi mắt, nhưng còn bằng chính tâm hồn của mình.

Chúa Giê-su dạy : Đừng xét đoán. Chúa muốn ta nhìn nhận mọi người xung quanh không chỉ bằng đôi mắt bình thường, mà bằng tấm lòng yêu thương chia sẻ. Đôi mắt bình thường có lúc sẽ phạm sai lầm, sẽ lên án hoặc phê phán ai đó không trung thực. Tâm hồn con người có thể xoa dịu mọi nỗi đau, nếu ta hết lòng yêu thương.

Lạy Chúa, xin cho con biết đem đến những cài nhìn yêu thương cho anh chị em chung quanh con.

Lòng nhân từ

Thứ Năm Tuần XXIII Mùa Thường Niên - Năm Lẻ
Lời Chúa: Lc 6, 27-38


31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 

Ở đời, ai cũng muốn điều tốt đẹp cho mình, do mình tạo ra hoặc người khác đem lại . Nhưng có một nghịch lý là ít ai muốn đem lại điều tốt đẹp cho người khác, vi nhiều lý do. Tôi cũng vậy. Tôi muốn mình là trung tâm điểm của mọi người, tôi muốn nhận nhiều điều tốt mà mấy khi để ý đến nhu cầu chính đáng của họ. Tôi thật sự thất bại. Tôi muốn khác đi, tôi muốn vui vẻ và hạnh phúc thật sự. Tôi phải thay đổi.

Lạy Chúa là Đấng nhân từ, Chúa muốn mọi điều tốt đẹp cho hết thảy mọi người. Xin cho con sống mỗi ngày với tâm tình yêu thương như Chúa.

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Tin và nhớ Lời Chúa

Thứ Năm Tuần XXII Mùa Thường Niên - Năm Lẻ
Lời Chúa: Lc 5, 1-11

"Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới." (Lc 5,5)

Trong cuộc sống, rất nhiều lần con đã sống theo ý riêng,có khi làm những điều sai trái.
Lời Chúa hàng ngày con có đọc nhưng mấy khi con nhớ và đem ra thực hành.
Con còn quá yếu đuối và đầy những tội lỗi.
Xin thúc đẩy con mỗi ngày, lạy Chúa nhân từ.

Xin cho chúng con biết vâng theo Lời Chúa, biết dựa vào lời Chúa và quyền năng Chúa để chiến thắng.

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Tin Mừng hòa bình

Thứ Hai Tuần XXII Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: Lc 4, 16-30



"Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối,..." (Lc 4,18)

Tin Mừng muốn đem lại hòa bình cho thế giới.

Con cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới, đặc biệt cho tình hình ở Syria thời điểm hiện tại trước nguy cơ tấn công của quân đội Mỹ.

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Khiêm hạ

Chúa Nhật Tuần XXII Mùa Thường Niên Năm C
Lời Chúa: Lc 14, 1. 7-14


"Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." (Lc 14,11)

Chúa đặt tôi ở vị trí nào, đều là hồng ân và có ích cho phần rỗi tôi. 
Ở bất cứ vị trí nào cũng là phần không thể thiếu trong một tập thể gắn bó.
Chấp nhận và làm tốt vai trò mình được giao phó.

Xin ban cho con một lòng nhiệt thành phục vụ không toan tính, vô vị lợi
.